Đây là hai bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, cụ thể hơn là vấn đề đại tiện và tiểu tiện. Cùng là tiện, chỉ khác nhau chữ đại với chữ tiểu, vậy mà cái thì ngồi rặn hàng tiếng đồng hồ không ra, cái thì lúc đang ngủ, không ai muốn, cũng phun ra vô tội vạ.
Có một đêm tôi nằm mơ mình đang đi cày với vợ, hai vợ chồng đang say sưa vác cày qua núi thì bất ngờ trời đổ cơn mưa. Vì đi cày mất sức, lại khát nước, tôi há to mồm hứng lấy từng giọt nước mưa mát lịm, nuốt ừng ực. Khi mưa tạnh, khi cơn khát qua đi, ấy cũng là khi tôi choàng tỉnh và nhận ra mình vừa đái dầm.
Tất nhiên, không phải lần nào đái dầm tôi cũng phun vào mồm, vào mặt, vào cổ như thế. Nhiều hôm, tôi chỉ nhận ra là mình vừa đái dầm cho đến khi thấy vợ tôi lồm cồm bò dậy, miệng làu bàu với giọng bực bội: “Ông đái ướt hết lòng bàn tay tôi rồi!”.
Để tình trạng này kéo dài thì rõ ràng là không ổn. Tôi đành lóc cóc đạp xe lên bệnh viện huyện để khám. Sau một hồi vần vò, nắn bóp, nữ bác sĩ trẻ thở dài ngao ngán:
- Cụ có bị xuất tinh sớm không?
- Có!
- Biết ngay mà! Cái của cụ hỏng rồi! Một khi nó đã không kiểm soát được việc xuất tinh thì cũng thật khó để nó kiểm soát được việc xuất nước đái.
- Có cách nào chữa trị giúp cụ không cháu?
- Chỉ còn hai cách! Cách thứ nhất là cụ lên bệnh viện trên thành phố, ở đó họ có trang thiết bị hiện đại, hi vọng sẽ chữa được! Cách thứ hai có tên gọi là “thắt chân buộc ngọn”. Tức là trước khi đi ngủ, cụ lấy một sợi dây thắt thật chặt rồi quấn nhiều vòng từ chân lên đến ngọn của bộ phận gây đái dầm, đảm bảo cụ có muốn đái tử tế cũng không thể đái được chứ chưa nói gì là đái dầm. Cách này tuy hiệu quả nhưng cháu khuyên cụ không nên lạm dụng, bởi việc bịt chặt đầu ra như vậy khiến nước bị đọng lại ở phần cuống, lâu ngày sẽ dẫn tới hiện tượng thối cuống và rụng quả.
Bác sĩ đã nói vậy, tôi cũng đâu dám làm liều. Thôi thì đành vay chạy lên thành phố một chuyến, vừa chữa bệnh, vừa để biết cái thành phố nó như thế nào! Nói thật là dù đã sống đến tuổi này, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi được lên thành phố, bởi vì quê tôi ở vùng sâu xa, đi lại khó khăn, tốn kém lắm!
Quanh năm suốt tháng cắm mặt vào đồng ruộng lam lũ mà còn chả đủ ăn, lấy tiền đâu ra mà đi chơi thành phố? Nếu không nhờ cái bệnh đái dầm này, chắc chắn đến lúc mắt nhắm tay xuôi, thành phố với tôi vẫn mãi là một chốn xa xôi, diệu vời.
Tôi cứ nghĩ, người thành phố họ văn minh, sang trọng thế, thấy một lão già quê mùa, ngờ nghệch như tôi, chắc họ sẽ coi thường và lạnh nhạt lắm! Nhưng thực tế lại không phải vậy! Bằng chứng là dù không hề quen biết, nhưng khi tôi vừa mới xuống xe khách thì đã có tới bốn năm anh phóng xe máy đến hỏi han: “Cụ về đâu? Để con chở cho!”. Tôi còn đang ngỡ ngàng trước sự hiếu khách của các anh ấy thì lại thấy một vài chị khác lao tới, dúi đồ ăn vào tận tay tôi: “Ăn ngô cụ ơi!”, “Ăn bánh mì cụ ơi! Bánh mì vừa ra lò, nóng hổi đây!”.
Thế nhưng người thành phố cũng thay đổi thái độ nhanh lắm! Sau khi tôi nói là tôi không có tiền, họ lập tức tản ra rồi nhìn tôi bằng ánh mắt gườm gườm, cau có. Mà đúng là tôi không có tiền thật, số tiền tôi mang theo người còn không biết có đủ để khám bệnh không, sao tôi dám đi xe ôm, dám ăn cái gì vào mồm?
Hỏi thăm một hồi, rồi đi bộ rã rời, cuối cùng tôi cũng tới được bệnh viện. Người ta chỉ tôi tới một cái phòng khám, nơi đã có sẵn rất nhiều người đang chen chúc ngoài cửa chờ đợi. Tôi cũng chưa biết phải làm thủ tục thế nào nên cứ nép vào bên góc ngơ ngác khá lâu. Đứng ngay cạnh tôi là một cô gái khá xinh, khoảng 20 tuổi, còn rất trẻ, da dẻ nõn nà, ngực tròn trịa, đẫy đà, mặt mũi nhìn có vẻ thật thà. Thấy thế, tôi ngập ngừng bắt chuyện:
- Cháu cũng bị bệnh đái dầm à?
- Dạ không! Cháu bị đái tháo đường! Mà cụ lấy số chưa?
- Số gì?
- Muốn được khám thì phải ra kia lấy số rồi chờ họ gọi tới số của mình thì mới được vào cụ ạ!
À, ra vậy! Tôi cũng lật đật ra lấy số rồi lại đứng vào một góc, mòn mỏi đợi chờ. Phải mất gần nửa buổi, tôi mới được vào khám. Sau khi nghe tôi kể qua về bệnh tình, ông bác sĩ yêu cầu tôi nộp tiền lệ phí 500 nghìn, rồi đưa cho tôi một quyển sổ khám bệnh và bảo:
- Ông cầm sổ này qua khu A2 làm xét nghiệm máu, rồi đến nhà B3 làm xét nghiệm nước tiểu, rồi sang nhà C4 chụp X-quang bộ phận sinh dục, xong thì đợi đến 3 giờ chiều nay quay lại đây, chúng tôi sẽ có kết luận và hướng điều trị chính xác cho bệnh tình của cụ!
- Bác sĩ ơi, lão ở quê lên, làm sao biết nhà A2, B3, C4 nó ở đâu?! Xin bác sĩ chỉ giúp!
- Ông bị mù à? Hay là không biết đọc? Tự đi mà tìm lấy chứ, cái gì cũng hỏi là sao?
Đúng lúc này, cánh cửa phòng khám hé mở, một gã thanh niên cao lớn, vạm vỡ, người lấp lánh toàn vòng vàng hăm hở bước vào. Thấy thế, ông bác sĩ gắt lên:
- Anh là số bao nhiêu? Tôi đã gọi đến số anh chưa mà tự ý xông vào?
Gã thanh niên đó lập tức lại gần, dúi vào tay ông bác sĩ cái phong bì, rồi cất giọng thầm thì:
- Anh thông cảm, em đang có việc gấp, đợi đến số thì lỡ việc mất! Mong anh giúp đỡ!
Không biết trong cái phong bì đó có cái gì mà ông bác sĩ lập tức dịu giọng và tiến hành khám luôn cho gã ấy. Rồi bác sĩ đưa quyển sổ khám bệnh của gã đó cho một cô y tá và dặn dò:
- Cô đưa anh này qua nhà A2, B3, C4 để làm xét nghiệm và chụp X-quang luôn nhé! Anh ấy mới đi khám lần đầu, biết đến bao giờ mới tìm được mấy cái nhà ấy!
Ở thành phố lạ thật! Lão già 70 tuổi, mắt mờ, chân chậm như tôi thì phải lấy số, phải đợi chờ, phải tự đi tìm phòng xét nghiệm, còn anh thanh niên nhanh nhẹn, trẻ khỏe ấy thì không cần lấy số, tự ý chen ngang, còn được y tá dẫn đến tận buồng khám. Không hiểu trong bức thư anh thanh niên đó gửi cho bác sĩ có viết những gì mà lại thay đổi được cả một con người như thế?
Đến gần trưa thì tôi cũng hoàn thành xong các khâu xét nghiệm, kiểm tra. Giờ thì chỉ đợi tới 3 giờ chiều để xem bệnh tình và cách chữa trị thế nào thôi. Lúc này tôi mới thấy đói bụng. Móc trong túi ra còn đúng 10 nghìn. Chết thật! Không ngờ tiền khám lại tốn nhiều thế! Tôi lấy 10 nghìn cuối cùng ấy mua một cái bánh mì trứng ở cổng bệnh viện, rồi lững thững đi bộ ra cái công viên gần đó, vừa ăn vừa ngồi nghỉ cho mát.
Dù là giữa trưa nhưng công viên vẫn khá đông: người thì đi bộ vãn cảnh, người thảnh thơi hít thở không khí trong lành, người chạy hùng hục, mồ hôi nhễ nhại, người thì nằm dài ôm nhau trên cỏ, quằn quại, lăn qua lăn lại…
Ngồi một lúc, tôi thấy buồn tè quá, chưa biết phải giải quyết ra sao thì thật may, ngay sau lưng tôi một đoạn không xa là cái nhà vệ sinh công cộng. Tôi lập tức chạy tới đó. Rồi tôi chợt sững người khi thấy có một chị đang ngủ gật, ngồi chắn ngay trước cửa ra vào. Trông qua thì đã biết, chị ấy chính là người quản lý cái nhà vệ sinh này. Tôi lại gần chỗ chị, đập đập vào ngực cho chị tỉnh ngủ rồi cất giọng thủ thỉ:
- Chị gì ơi! Tôi buồn đái!
- Hai nghìn!
- Dạ?
- Đái 2 nghìn, ỉa 5 nghìn! Giá niêm yết sẵn trên tường kia rồi!
- Nhưng tôi không có tiền!
- Lão bị thần kinh à? Làm mất giấc ngủ của người ta! Định đái miễn phí à? Thế tiền đâu ra xây nhà vệ sinh? Thế tôi ngồi đây để làm gì, để nhìn ông đái à? Biến đi!
Đúng lúc này, một người đàn ông dắt theo một con chó cũng bước vào nhà vệ sinh. Ông ấy đái, và con chó cũng đái. Lúc trở ra, người đàn ông móc túi đưa cho chị ta 5 nghìn rồi ra hiệu không cần trả lại tiền thừa. Tôi lúc này thì buồn đái vô cùng rồi, nên giọng đã có phần gay gắt:
- Tại sao con chó nó được đái, còn tôi thì không?
- Vì nó có tiền! Tôi chỉ quan tâm đến tiền, không cần biết là người hay chó!
- Thôi được, vừa rồi, người đàn ông đó trả tiền còn thừa 1 nghìn, coi như tôi đái vào chỗ tiền thừa đó, được chứ?
- Hai nghìn một lần đái cơ mà?
- Nhưng tôi chỉ đái một nửa thôi, một nửa vẫn để dành bên trong, không đái hết!
- Nhưng tôi tính tiền đái theo số lần chứ không tính theo thể tích, ông hiểu chứ? Hơn nữa, tiền thừa đó là ông ấy cho tôi chứ không phải cho ông. Ok? Bây giờ thì biến đi cho tôi ngủ trưa!
Bất lực trong việc thuyết phục mụ đàn bà ghê gớm ấy, tôi đành thất thểu quay ra, bụng dưới đang tức như chực vỡ òa. Đột nhiên, tôi thấy một người đàn ông đang đứng gục đầu vào một thân cây gần đấy, dáng liêu xiêu như chực quỵ xuống. Tôi hốt hoảng chạy lại:
- Này cậu, cậu sao thế? Có cần tôi giúp gì không?
- Ông bị điên à? Để yên cho tôi đái! Đái mà cũng đéo được yên nữa!
- Ơ? Được phép đái ở gốc cây à?
- Đái thoải mái! Chỉ sợ ông không đủ nước thôi!
Trời ạ! Vậy mà tôi cứ tưởng ở thành phố người ta cấm không cho đái bậy! Làm khổ tôi phải xin xỏ, phải chịu đựng nãy giờ. Đúng là thành phố lạ thật! Chó thì đái trong nhà vệ sinh, còn người thì đái ngoài đường; tôi vào nhà vệ sinh thì không được đái, mà ra ngoài đường thì đái thoải mái. Tôi đúng là quê mùa thật, làm sao biết được những cái mới lạ ấy? Nhưng giờ thì tôi biết rồi! Các cụ nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cấm có sai!
Tác giả: Vo_tonq_danh_meo