Lời kể của nhân chứng
Năm 1991, nữ ca sĩ người Mỹ - Pam Reynolds tiến hành phẫu thuật não sau khi được chẩn đoán mắc căn bệnh hiểm nghèo. Trong suốt quá trình phẫu thuật, Pam ở trong trạng thái chết lâm sàng khi máu được rút hết ra khỏi bộ não khiến não cô hoàn toàn không hoạt động.
Cô nhớ một y tá đã thốt lên trong lúc phẫu thuật, mạch máu ở chân phải của cô quá nhỏ để cắm máy chạy tim, phổi hay nhìn thấy dụng cụ giống hình bản chải đánh răng mà các bác sĩ dùng để mở hộp sọ, thứ mà cô chưa từng nhìn thấy trong đời.
Những lời của Pam hoàn toàn đúng và khiến các bác sĩ vô cùng sửng sốt. Pam kể, cô thấy mình bị cuốn về một con đường đầy ánh sáng, nơi cô nhìn thấy người thân đã khuất của mình.
Người thoát xác có thể nhìn thấy cơ thể mình từ trên cao. |
Mọi người cảm thấy như mình đang bay ra ngoài cơ thể và gặp Chúa hay người thân đã khuất. Có người còn nhìn thấy những kỷ niệm trong đời mình xuất hiện liên tiếp như một cuốn phim.
Khoa học vào cuộc
Các nhà khoa học tạm chia “thoát xác” ra làm 2 loại: ngẫu nhiên và có chủ đích. Thoát xác ngẫu nhiên gồm những trường hợp cận tử, ngủ không sâu do tiếng ồn, căng thẳng hay bệnh tật.
Thoát xác có chủ đích là việc một số người cố tình duy trì ý thức mình tỉnh táo trong khi cơ thể ở trạng thái ngủ bằng cách luyện tập mơ thực (lucid dreaming) hoặc dùng các chất hóa học gây ảo giác như ketamine, dextromethorphan hay phencyclidine.
Theo truyền thuyết của Nhật Bản, sự thoát xác hay tách linh hồn xảy ra do một sự giận dữ hay thù hận ghê gớm. Trong truyện kể Genji, phu nhân Rokujo nuôi mối hận thù với phu nhân Aoi - vợ hoàng tử Genji. Hàng đêm, một phần hồn của phu nhân Rokujo tách khỏi cơ thể bà và bay đến làm hại Aoi. Người Nhật gọi hiện tượng này là ikiryo.
Tuy nhiên, các nhà thần kinh học và tâm lý học hiện đại có cách giải thích khác. Họ nói, “thoát xác” thực ra chỉ là ảo ảnh được tạo ra bởi tiềm thức của con người, tức là hiện tượng này không khác giấc mơ thông thường về mặt bản chất.
Thí nghiệm của Olaf Blanke về thoát xác. |
Nhà tâm lý học Susan Blackmore đề ra giả thuyết: “thoát xác” xảy ra khi bộ não của chúng ta ở vào trạng thái hoạt động nhưng mối liên hệ với các giác quan lại bị chặn đứng.
Lúc đó, bộ não sẽ tự tạo ra hình ảnh hoặc sự việc không có trên thực tế. Một số trường hợp “thoát xác” kể lại, họ cũng trải qua cảm giác bị bóng đè, hiện tượng có nguyên nhân tương tự.
Năm 2007, nhà khoa học Olaf Blanke tại Thụy Sĩ đã mô phỏng hiện tượng “thoát xác” trong phòng thí nghiệm. Các tình nguyện viên được gắn các điện cực trên đầu và chứng kiến cơ thể người trong không gian 3D (avatar) mô phỏng chính xác từng hành động của họ.
Sau một thời gian, người tình nguyện viên đã nhầm lẫn giữa cơ thể thực với avatar của chính mình. Điều này xảy ra do sự rối loạn giữa xúc giác và thị giác. Lý do này được nhiều nhà khoa học chấp nhận để giải thích hiện tượng “thoát xác”. Tuy vậy, nhiều bí ẩn xoay quanh vấn đề này vẫn còn để ngỏ.
Theo : Kenh 14