banner

"Bí mật" nghi lễ động phòng của vua chúa Trung Hoa

Trên phim ảnh Trung Hoa, chúng ta thường bắt gặp những hôn lễ long trọng của các bậc vua chúa thời xưa. Một người phụ nữ sau khi tiến cung sẽ trở thành mẫu nghi thiên hạ, liệu những nghi lễ tiến cung của người phụ nữ ấy có gì khác biệt với nghi lễ hôn nhân bình thường trong dân gian?

Những nghi lễ tiến cung thường cũng theo trình tự như với một hôn lễ bình thường trong dân gian, phải tuân theo “Lục lễ”. Chính là đặt lễ, hỏi danh, xem tuổi (nếu hợp tuổi mới tiếp tục những bước sau), đặt lễ, chọn ngày, phu thê gặp mặt. Nhưng điểm khác biệt là, hôn lễ của các bậc vua chúa sẽ được tổ chức long trọng hơn rất nhiều.

Những người phụ nữ được tuyển chọn để trở thành mẫu nghi thiên hạ, cũng sẽ nhận được lễ vật của vua ban, nhưng Hoàng đế tuyệt nhiên sẽ không đích thân đến đón “vợ”, mà người nhà của cô gái sẽ tiễn đến cổng hoàng cung.

Trong hôn lễ, Hoàng hậu và Hoàng thượng cũng sẽ vào “động phòng”, nhưng nghi lễ động phòng sẽ không giống với dân gian. Nơi diễn ra lễ “động phòng” không phải là căn phòng hằng ngày Hoàng Thượng vẫn ở, cũng không có quy định cụ thể về địa điểm, nhưng thường lấy nơi diễn ra nghi lễ làm nơi làm lễ “động phòng”.
Hộp đồng trong lễ động phòng
Trong thời Minh và thời Thanh, lễ động phòng thường được diễn ra tại cung Khôn Ninh – cung cuối cùng trong số ba hậu cung của Hoàng Hậu, trong thời Thanh chính là tẩm cung Hoàng hậu. Nghi lễ nạp phi được tổ chức long trọng, chuẩn bị kĩ lưỡng.

Thời Thanh, tân Hoàng hậu sẽ được khiêng từ cổng lớn, đi qua Thiên An Môn, rồi đến Cửa Ngọ (cổng chính Tử Cấm Thành), cuối cùng là Hậu cung. Các phi tần thường không được khiêng qua cổng chính, mà chỉ được khiêng qua cổng sau Thiên An Môn – cổng Thần Vũ ( phía Bắc).

Lễ động phòng của nhà Vua và Hoàng hậu cũng không thể thiếu chữ hỷ và đôi câu đối đỏ. Màu sắc chính là màu đỏ, tượng trưng cho niềm hạnh phúc, không khí phấn khởi. Đầu giường sẽ đặt “ Bách tử chướng” phủ lên trên “Bách tử bị”, chính là chiếc chướng và chiếc chăn được thêu lên một trăm trạng thái biểu hiện trên gương mặt đứa trẻ và một chiếc màn thêu hình long phượng mang ý nghĩa cầu mong “đông con nhiều phúc”.

Dưới sàn nhà phải trải thảm đỏ, bốn bề treo chướng long phượng, tạo nên không gian vừa riêng tư lại vừa rất long trọng quý phái. Vậy Hoàng thượng và hoàng hậu sau khi nhập phòng, nghi lễ đầu tiên là gì?

Một trong những nghi lễ không thể thiếu đó là “uống rượu giao môi”, sau đó hai người sẽ làm lễ động phòng để chính thức trở thành phu thế. Nhưng lúc này “tân chú rể” cũng không thể tùy tiện lên giường thế nào cũng được, mà phải tuân theo những trình tự nhất định.

Vào thời Đường thì trình tự lên giường như sau: Quan thái giám dẫn Hoàng thường sang Đông phòng, giúp Hoàng thượng cởi long bào, mặc thường phục; quan thái giám dẫn Hoàng hậu vào trong chướng, cởi y phục rồi mới dẫn Hoàng thượng vào trong.

Nhưng vào đời Thanh, sau khi Hoàng hậu vào phòng không lâu, Hoàng thượng cũng sẽ được người trong Hoàng thất dẫn vào, nhưng vẫn mặc trên người long bào. Hoàng thượng sẽ gỡ trâm gài đầu của Hoàng hậu. Những người hầu hạ của Hoàng hậu sẽ đặt lên giường một chiếc hộp đồng, bên trong đựng những chiếc bánh bao tròn nhỏ, mang ý nghía “con cháu viên mãn”.

Sau đó các nô tì, thái giám sẽ bày thức ăn lên bàn, mời Hoàng thượng và Hoàng hậu đến dùng bữa. Trong bữa ăn, hai người cùng sẽ uống “rượu giao môi”, lúc này, bên ngoài cửa sổ mọi người hát vang bài hát chúc phúc. Sau rượu giao môi” là “mì trường thọ”, đến đây mọi nghi lễ gần như đã hoàn tất, Hoàng hậu sẽ lên giường trước, sau đó Hoàng thượng cũng cởi long bào và lên giường, tiến hành nghi lễ động phòng.

Người Trung Hoa thường nói: động phòng hoa chúc, ghi danh bảng vàng, trời hạn đổ mưa, nơi xứ lạ gặp đồng hương, vốn là bốn chuyện vui nhất của đời người. Thế nhưng đối với một người là bậc quân vương, một người là bậc mẫu nghi thiên hạ mà nói, hôn nhân vốn mang màu sắc chính trị, đôi khi đem đến hạnh phúc, cũng đôi khi đem đến phiền não, bất hạnh…

Q.Trang (Khampha.vn)
Share on Google Plus