banner

Truyen bựa voz : Bão ơi !!

Người ta cứ bảo cái mảnh đất miền trung này khắc nghiệt.

Đất cằn sỏi đá, đồi cát trắng xóa, nắng thì như thiêu như đốt, mưa thì như dội như trút; rằng người miền trung chỉ quanh năm lo chống nhà, chằng cột, rồi khi bão lũ quét qua xong thì lại đi dựng lại cột, lợp lại nhà, rồi lại chuẩn bị chống nhà, chằng cột để đón cơn bão mới, thành ra họ chẳng còn thời gian đâu mà lo làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt nữa.

Mà chăn nuôi, trồng trọt làm cái gì khi mà không ai biết khi nào bão lũ sẽ về và cuốn đi tất cả? Bởi vậy nên người ta nói dân vùng bão lũ ấy rất nghèo khổ.

Nói bậy! Toàn là nói bậy! Miền trung khắc nghiệt, bão lũ nhiều thì đúng, nhưng bảo dân vùng lũ nghèo khổ là nói láo, nghèo hay giàu còn tùy người chứ, như tôi đây này, nhà ở giữa vùng trọng điểm bão lũ, nhưng tôi vẫn sống khỏe re, chả sao hết! Nói về kinh tế thì nhiều gia đình khấm khá trên Hà Nội cũng còn phải đuổi dài mới kịp tôi.

Tại sao lại thế? Bởi vì tôi thách bão giật đổ được nhà tôi, tôi thách lũ ngập hết được nhà tôi đấy! Nhà của họ bị gió giật đổ, bị lũ cuốn trôi, bị nước dâng ngập mái là vì nhà của họ thấp lè tè, toàn là mấy cái nhà tạm bợ, tre nứa ghép vào, hoặc không thì cũng là xây gạch tường mười mỏng tang, mái tôn rẻ tiền. Thế thì đừng hỏi tại sao bão lũ lại tàn phá được.

Cứ thử xây 4 tầng cao ráo, kiên cố, cốt thép bê tông như nhà tôi xem, bão chỉ có đứng ngoài ve vãn, nhòm qua cửa kính khóc than, lũ cũng chỉ mấp mé như rửa chân cho nhà tôi mà thôi.

Hơn nữa, nhà tôi không làm nông nghiệp, không chăn nuôi, không trồng trọt, thế thì bão có gì để mà phá phách? À, quên chưa nói với các bạn là tôi làm nghề gì nhỉ? Tôi hiện là trưởng ban tiếp nhận cứu trợ bão lũ của huyện.

Cái công việc của tôi, những ngày nắng ráo thì khá nhàn, chỉ đến cơ quan ngồi chơi, uống trà, cười khà khà. Nhưng chớ vội coi thường, những ngày mưa gió bão lũ, đặc biệt là những đợt dân bị cuốn trôi hết nhà cửa thì chúng tôi bận túi bụi với việc nhận tiền, nhận quà, nhận lương thực, thuốc men, nhận quần áo cứu trợ từ khắp mọi miền trên cả nước đổ về. Nhiều lắm chứ!

Nhưng đừng nghĩ rằng chúng tôi cứ nhận tiền và đồ cứu trợ rồi cử người mang xuống tiếp tế cho dân là xong đâu, không đơn giản như thế, mà nếu đơn giản như thế thì tôi chắc chắn là chả ai muốn làm trong cái ban tiếp nhận cứu trợ này làm gì, để dành thời gian ở nhà chống bão lũ với vợ con cho sướng. Vậy sau khi nhận tiền, lương thực và đồ đạc, công việc của chúng tôi sẽ là gì?

Trước tiên là đếm tiền, chúng tôi phải nhanh chóng kiểm kê chính xác xem tổng thu là bao nhiêu. Việc này phải làm công khai trước sự chứng kiến của các lãnh đạo huyện, và được thực hiện bởi một ban chuyên trách kiểm tiền do ủy ban nhân dân huyện bầu ra.

Sau đó thì cứ chia theo tỉ lệ đã quy định sẵn thôi: chủ tịch và bí thư mỗi người 10%; phó chủ tịch, phó bí thư mỗi người 5%; trưởng công an và các các cán bộ chủ chốt khác mỗi người 2%.

Vậy nên, đến lúc về được với ban tiếp nhận cứu trợ của bọn tôi thì số tiền đã vơi đi hơn nửa. Tất nhiên là bọn tôi lại phải tiếp tục chia chác cho các thành viên trong ban, mà không nói thì các bạn cũng hiểu, tôi là trưởng ban nên đương nhiên phải được phần to nhất.

Rồi sau đó, tiền mới được chuyển về cho các xã, các thôn, và tất nhiên, ở các xã, các thôn ấy, họ sẽ lại chia chác theo tỉ lệ riêng của họ, kệ, cái đó chúng tôi không quan tâm, chúng tôi đã hoàn thành trách nhiệm của mình rồi mà.

Nhưng các bạn đừng tưởng chúng tôi sướng, không sướng đâu, vất vả lắm, vì ngay chỗ chúng tôi đang ngồi kiểm hàng, kiểm tiền đây, nước đã dâng lên mấp mé nền nhà rồi, một vài con nước khỏe và hung hăng đã tràn được vào trong khiến sàn nhà cứ ẩm ướt, nhem nhép.

Bọn tôi phải cho hết lương thực, quần áo, đồ đạc cứu trợ lên trên bục cao, kê bàn sát lại, rồi gần chục con người ngồi đếm đếm, tính tính, toán toán. Nhưng như vậy cũng còn may chán, bởi vì chỗ bọn tôi làm việc là ủy ban huyện, móng nhà xây cao, kiên cố nên vẫn còn thong dong được, chứ ngoài kia á, nước đang dâng trắng xóa, gió giật thùm thùm, dân dỡ ngói leo lên nóc nhà gào thét, khóc than ầm ĩ kia kìa.

Chúng tôi hiểu và thương cảm với dân lắm chứ, bởi vậy mới đang hối hả kiểm kê tiền và hàng hóa để chuyển về xã, về thôn, ứng cứu cho họ đây thôi…

- Anh ơi, đợt này bão lũ cũng to mà sao tiền và hàng có vẻ ít hơn những lần trước anh nhỉ?

- Sẽ còn về tiếp mà, đã hết đâu! Với lại mình cứ lấy đủ khẩu phần của mình, ít thì các ông dưới xã, dưới thôn phải chịu, dân phải chịu, chứ chả lẽ bắt mình chịu sao?

- Dạ, thế số lượng mì tôm và lương khô này, ta xử lý sao đây anh?

- Cậu chọn mấy thùng ngon nhất, loại cao cấp để biếu chủ tịch và bí thư. À, mà nhớ là chủ tịch thích nhất mì Cung Đình, hương vị lẩu tôm chua cay nhé, để phần loại đó cho chủ tịch.

- Dạ. Còn lương khô, có biếu cùng không anh?

- Cậu điên à? Cậu còn nhớ đợt lũ trước không? Bí thư cũng tò mò ăn thử lương khô cứu trợ này mà suýt tắc cổ chết đấy. Lương khô thì tốt nhất là đừng ai động vào, nhường cho dân hết. Mà này, cái chỗ mì tôm loại ngon ấy, để cho tôi khoảng 5 thùng thôi, còn bao nhiêu các cậu chia nhau hết đi nhé.

- Nếu vậy thỉ chỉ còn mì tôm trần để phát cho dân thôi anh ơi, cái loại đóng túi ni-lông, mỗi túi 20 bánh ấy ạ.

- Mì tôm trần càng thuận tiện chứ sao. Bà con giờ hầu hết là ngồi trên mái nhà, làm gì có bếp với nước sôi mà pha mì, đằng nào họ cũng ăn sống mà, cho họ mì trần để họ đỡ phải mất công bóc, cứ cầm là gặm luôn thôi…

Thế rồi mọi người lại cặm cụi kiểm kiểm, kê kê, đếm đếm, tính tính, không khí rất hối hả, khẩn trương, ai cũng như chạy đua với thời gian, với bão lũ, vì họ biết, ở ngoài kia là bao nhiêu con người đói khổ, rét mướt đang chờ họ… Đột nhiên, từ ngoài cửa, một người đàn ông bệ vệ bước vào, tiếng giầy đế kếp gõ cồm cộp trên nền nhà khiến tất cả đều phải dừng tay và ngước lên:

- Dạ, em chào chủ tịch ạ!

- Ừ, tình hình kiểm kê ổn chứ?

- Dạ, cũng sắp xong rồi anh ạ!

- Tốt! Cố gắng xong sớm nhé, dân chúng đang đói rét lắm đấy. À, mà mì tôm của anh đâu?

- Dạ đây anh. Em để sẵn cho anh đây rồi, đúng vị lẩu tôm chua cay anh thích nhé!

- Có hai thùng thôi à?

- Vâng ạ. Không hiểu sao đợt này lẩu tôm chua cay lại chỉ có hai thùng, chắc đang bị cháy hàng.

- Thế còn vị nào khác không?

- Dạ, chỉ còn vị hương sườn heo và sốt Spaghetti thôi anh.

- Thế à, thế cho anh thêm năm thùng hương sườn heo, năm thùng sốt Spaghetti nữa nhé, về ăn thử xem thế nào. Mà còn quần áo cứu trợ thì sao nhỉ? Có lọc ra được cái nào ngon lành không?

- Đợt này toàn quần áo cũ thôi anh ạ. Bọn em lọc suốt sáng đến giờ, có tìm được cái nào tử tế đâu.

- Cậu cứ nói thế, anh thấy cái áo vest kia vẫn còn tốt đấy chứ, nhìn có khác áo mới là bao…

- Dạ, anh thông cảm, em chọn suốt sáng đến giờ được có mỗi cái ấy thôi…

- Vậy cậu nhường nó cho anh đi, anh đang cần. Lần sau anh sẽ nhường cậu hết.

- Lần sau thì biết đến bao giờ hả anh?

- Cậu yên tâm, anh vừa nghe dự báo thời tiết xong, trên biển đông đang hình thành một cơn bão mới cực mạnh, được dự báo là một trong những cơn bão khủng khiếp nhất từ trước đến giờ, và nhiều khả năng nó sẽ lại đổ bộ vào tỉnh ta thôi.

- Có thật thế không anh?

- Thật chứ, tôi lừa cậu làm gì, lúc đó thì tha hồ tiền cứu trợ, rồi cả lương thực, quần áo nữa, cậu thoải mái mà chọn, tôi nhường cậu hết…

- Dạ, anh hứa đấy nhé, hi vọng là cơn bão đó sẽ không suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, anh nhỉ!

Tác giả: Vo_tonq_danh_meo
Share on Google Plus