Tập 1: Từ Liêm là nhà, đừng khóc!
Chào các bạn, mình là Huyền xì-líp. Mình rất thích mặc váy nhưng mà lại cực kỳ ghét mặc quần xì-líp. Bố mẹ Huyền thì suốt ngày nhắc nhở:
- Con gái con đứa, đã hay mặc váy thì chớ mà lại không chịu mặc xì-líp bên trong. Mấy thằng thanh niên bây giờ là chúng nó soi hàng kinh lắm đấy, đừng có mà chủ quan.
Huyền nghe vậy thì ậm ừ cho qua chuyện rồi cũng ngúng nguẩy mặc vào cho bố mẹ vui lòng, nhưng chỉ cần đi ra đến cổng là Huyền lại thò tay vào lột luôn quần xì-líp ra và đội lên đầu. Cái tên Huyền xì-líp cũng bắt nguồn từ đó.
Nhà Huyền ở một huyện ngoại thành của Hà Nội, nghèo lắm. Người ta hay nói “nghèo rớt mồng tơi” nhưng thực sự nhà Huyền nghèo đến nỗi mồng tơi cũng chả có mà rớt. Hồi bé thì Huyền học hành cũng khá chỉn chu nhưng không hiểu sao càng lớn thì học lại càng ngu. Từ cái ngày bị chó dại cắn và quên không tiêm phòng, Huyền trở nên thông minh đột xuất và tự nhiên lại nung nấu cái ý định là sẽ đi du lịch bụi vòng quanh 10 quận và 19 huyện thị của Hà Nội.
Khi nghe Huyền trình bày kế hoạch và hoài bão lớn lao ấy, bố mẹ Huyền mắt tròn xoe như ốc, mồm há hốc, môi khô không khốc. Nhưng khi Huyền đã quyết thì thằng nào gàn Huyền giết. Biết vậy nên bố mẹ Huyền không dám ngăn cản. Hôm Huyền xuất hành, hai ông bà khóc như mưa.
- Con đã suy nghĩ kỹ chưa con?
- Dạ, kỹ rồi thưa bố mẹ. Đi xong chuyến này về con sẽ viết sách bán, nhà mình sẽ lên đời từ đây. Con sẽ làm cho bố mẹ nở mày nở mặt.
- Bố mẹ chỉ mong con vác được cái xác về là tốt rồi, chứ học dốt như mày mà viết sách thì ra đường chúng nó ném sách vào mặt bố mẹ mày, lúc đó thì không chỉ nở mày nở mặt mà là cả sưng mặt con ạ. Thôi, đi sớm đi kẻo nắng.
- Mẹ không cho con tiền đi đường à?
- À ừ, tí thì mẹ quên, đây, còn 70 nghìn, mới bán con gà mái hôm qua xong, định lát nữa đi mua “Rocket 1h” cho bố mày, nhưng giờ mẹ đưa cả cho mày. Khổ, con gà mái đang đẻ trứng rất to và đều, vậy mà…
- Thế còn bố? Có gì cho con không?
- Bố chẳng có tiền đâu, có bao ngô này để con đi đường ăn tạm. Nhớ luộc hoặc nướng chín rồi hãy ăn nhé, ăn sống dễ tiêu chảy lắm.
Vậy là Huyền xách bao ngô lên và đi, trong túi có vẻn vẹn 70 nghìn mẹ cho. Chỉ với 70 nghìn này liệu Huyền có đi hết được 10 quận và 19 huyện thị? Được chứ, nếu có niềm tin, lòng dũng cảm, có hoài bão, Huyền sẽ làm được, tuổi trẻ Việt Nam sẽ làm được. Nói thì nghe hào hùng và hoành tráng lắm nhưng thực ra Huyền đang khóc đấy. Nhìn bố mẹ già ôm nhau rưng rưng dõi theo bóng đứa con gái bé bỏng đang dần xa, ai mà cầm lòng cho được. Trong đầu Huyền văng vẳng lên những câu thơ đầy tâm trạng biệt ly trong bài thơ “Tống biệt hành kinh” của tác giả Thâm Tâm Dâm:
“Đưa người không đưa trên công nông
Sao có tiếng máy nổ trong lòng
Áo quần nhăn nhúm da vàng vọt
Sao đầy ghèn to trong mắt trong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Tiếc bát ốc thiu người ăn nốt
Ta biết người buồn sáng hôm sau
Uống Becberin bụng vẫn đau.
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc bánh khoai
Chị thà coi như là gà luộc
Em thà coi như con lợn quay...
…Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm cứt chó rơi đầy…”
(Cái đoạn cứt chó này là tả cảnh thật nhé, không phải chế lung tung đâu, vì riêng nhà Huyền đã nuôi tới 4 con chó, chưa kể hàng xóm mỗi nhà ít cũng phải 2 con, chúng nó thường tụ tập vui chơi tại nhà Huyền, vừa chơi vừa ỉa bậy. Khổ nỗi là chúng nó không chịu ỉa ở vườn hay ở sân mà chỉ thích ỉa trên thềm, bố mẹ Huyền quét dọn không xuể nên thôi kệ, cứ để tích đống ở đó, cuối tháng dọn một thể).
Với bao ngô trên vai, Huyền cất những bước đầu tiên của cuộc hành trình vinh quang nhưng cũng đầy gian khổ, khó khăn và thiếu thốn. Con đường nhỏ tưởng chừng đã thân thuộc như bàn tay với tuổi thơ ngày hai buổi đến trường; với những lần đánh trận giả cùng lũ bạn, mồ hôi ròng ròng ướt cả quần ngoài lẫn quần trong; cả những lần cởi truồng tắm mưa rồi về nhà lại ngại ngùng chui vào buồng thay quần áo.
Thân thuộc là thế đó, nhưng sao hôm nay Huyền lại thấy một cảm giác rất lạ lẫm khi đi trên nó? Cũng phải thôi, bởi nó đang đưa bước Huyền trở thành thần tượng, thành tấm gương dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ Việt Nam và thế giới.
Nắng đã lên hênh hếch trên ngọn xà cừ, một vài tia nắng khỏe mạnh và giỏi len lỏi đã chui được qua những tán cây xanh mướt, dầy đặc để nhảy múa và chơi đùa trên mặt đường gồ ghề, ngoằn nghèo. Trời ạ! Kế hoạch là sẽ đi bộ hết 10 quận và 19 huyện thị, thế mà mới đi được có vài bước từ nhà ra đây, Huyền đã thấy mỏi chân rồi, lại cả cái bao ngô trên vai nữa chứ.
Thôi, bắt xe bus đi cho nó nhanh. Xe bus cũng rẻ mà, với lại lúc viết sách mình sẽ vẫn nói là mình đi bộ, có ai biết đâu mà sợ. Từ làng Huyền vào nội thành thì chỉ có mỗi tuyến xe bus 115 chạy qua, 20 phút mới có một chuyến, và xe lúc nào cũng đông. Hôm nay cũng thế, Huyền phải rất vất vả mới cõng được bao ngô lên xe. Cảnh chen lấn, xô đẩy khiến Huyền xoay sở rất khó khăn:
- Anh phụ xe ơi, cất hộ em cái bao ngô này vào cốp phát.
- Con điên, đây là xe bus, không phải taxi, ai cho mày mang hành lý cồng kềnh lên xe?
Vậy là Huyền không còn cách nào khác phải vứt bao ngô xuống vệ đường, mất toi nguồn lương thực dự trữ cho chuyến đi. Nhưng không sao, đi đến đâu Huyền sẽ xin việc làm kiếm tiền mua đồ ăn tới đó, cứ sợ thì làm sao mà đi được.
Xe bus đông quá, chen chúc, ngột ngạt, Huyền đứng mà có cảm giác chật chội không thể cử động được bàn chân. Không ổn, phải nghĩ cách kiếm được cái ghế mà ngồi. Nghĩ vậy, Huyền nhích nhích và chen được lại gần một anh chàng trông khá hiền lành đang ngồi ở ghế đầu:
- Anh ơi, anh có thể nhường ghế cho em không? Em đang có chửa.
- Chửa đâu? Chửa gì mà bụng lép kẹp, toàn thấy mông với ngực.
- Em vừa thử que sáng nay xong, hai vạch rưỡi anh ạ. Không tin, em thử luôn tại đây cho anh xem.
- Thôi thôi, ghế đây, ngồi đi. Bố con điên!
Sau hơn một giờ lồng lộn và gầm rú trên đường, chiếc xe bus dừng ở một bến nhỏ thuộc huyện Từ Liêm, đó cũng là địa điểm đầu tiên mà Huyền lựa chọn để khám phá.
Từ Liêm là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa cao nhất và nhanh nhất cả nước. Nó có sân quốc gia Mỹ Đình vẫn được xem như là Old Trafford của Châu Á; có khu liên hiệp thể thao dưới nước mà ngay cả Luân Đôn cũng phải ao ước; nó có đường cao tốc trên cao dài vài chục cây số từ Phạm Hùng tới tận cầu Thanh Trì, rẽ ra cao tốc Pháp Vân cầu Giẽ; có bảo tàng Hà Nội với thiết kế độc đáo theo mô hình Kim tự tháp chổng ngược. Nó còn là điểm khởi đầu của cao tốc Láng Hòa Lạc, cái tên nói lên tất cả, tức là một con đường dẫn tới sự Hòa hợp trong khoái Lạc một cách lai Láng.
Nếu nhìn vào những công trình ấy, những con đường ấy, ít ai có thể tưởng tượng được rằng, chỉ khoảng 10 năm trước đây thôi, vùng đất này vẫn là những ao hồ, những bãi hoang cỏ mọc um tùm, vẫn là những cánh đồng cò bay thẳng cẳng (người ta giải thích rằng vì cánh đồng rộng quá, cò bay lâu mỏi cẳng nên phải duỗi thẳng cẳng ra cho đỡ mỏi).
Vậy mà bây giờ, những cánh đồng bao la đã nhường chỗ cho những trung tâm mua sắm lộng lẫy xa hoa; những bãi đất bỏ hoang giờ đã thành những con đường trải nhựa rộng thênh thang. Những người nông dân chất phát thật thà nay đã khoác lên mình gấm vóc lụa là, thành những đại gia ở trong villa, cưỡi Toyota. Cũng phải thôi, cảnh vật còn có thể đổi thay thì cớ sao con người lại không thay đổi?
Nhưng dù có đổi thay đến đâu thì những ai đã sống ở đây, dù chỉ một ngày, những ai đã đi qua đây, dù chỉ một lần, sẽ mãi không bao giờ quên con đường 32 huyền thoại với những ổ gà to như cái vại, những ổ voi to như cái thùng vôi, ngày nắng thì bụi mịt mùng, ngày mưa thì nước trập trùng.
Đặc biệt là khi mưa ngập, các ổ gà, ổ voi bị nước dâng lên che khuất, vô tình trở thành những cái bẫy giăng ra khắp đường. Chúng khiến bao xe máy gẫy càng, gẫy cổ phốt, khiến bao người gẫy chân, gẫy tay, đang đi tự nhiên ngã lăn quay. Và đặc biệt, chúng còn khiến rất nhiều bạn nữ bỗng dưng có thai.
Cái vụ có thai này thì hơi khó hiểu nên Huyền xin giải thích bằng một câu chuyện như sau. Chuyện kể rằng có đôi trai gái mới quen, đèo nhau đi chơi qua đoạn đường 32 này đúng ngày mưa ngập nên húc phải ổ gà, cả hai ngã nằm ra đường, ướt và bẩn hết từ đầu đến chân.
Chàng trai nhìn cô gái đầy thương cảm rồi ấp úng đề nghị: “Hay mình vào cái nhà nghỉ nào gần đây để tắm rửa, giặt quần áo, đợi quần áo khô rồi đi chơi tiếp, được không em? Anh hứa là chỉ tắm rửa và ngồi đợi quần áo khô thôi, không làm gì khác cả”. Cô gái nghe vậy thì suy nghĩ vài giây rồi ngập ngừng: “Ừ, thế cũng được”.
Lần đi chơi thứ 2, chàng trai đến đón cô gái cũng vào một ngày mưa ngập. Anh chàng đang băn khoăn chưa biết đi đâu thì cô gái đã ghé tai thỏ thẻ: “Hôm nay mưa thế này chắc đường 32 sẽ ngập đấy anh, mình lại đi qua đó anh nhé”.
Bây giờ thì đoạn đường hãi hùng ấy đã lùi vào dĩ vãng, chẳng còn ổ voi, ổ gà mà thay vào đó là một con đường thẳng tắp, mượt mà. Tất nhiên, số lượng các bạn nữ bỗng dưng có bầu cũng theo đó mà giảm. Và lúc này đây, Huyền đang rải bước trên con đường mới coóng còn thơm mùi nhựa đường, mùi sơn bóng ấy.
Nhưng Huyền chẳng còn tâm trí đâu mà để ý đến cảnh vật bởi trong đầu Huyền đang phải nghĩ đến chặng đường đầy gian nan, khó khăn trước mặt. Nhất là khi trong túi Huyền chỉ có vẻn vẹn 70 nghìn đồng thì việc tính toán chi tiêu lại càng phải tỉ mỉ, chắt chiu và chặt chẽ hơn. Vẫn biết là phải tiết kiệm, nhưng đói thì phải ăn, không ăn thì sao có sức đi. Thôi, kiếm cái gì ăn tạm vậy. Nghĩ thế nên Huyền tạt vào một quán bên đường:
- Cho bát phở tái gầu anh ơi! Đập thêm vào hai quả trứng vịt lộn, thêm 20 nghìn quẩy nữa nhé.
Các bạn vừa đọc xong tập 1 cuốn sách “Xách bao ngô lên và đi” của tác giả Tòng Chíp (tức Vo_tonq_danh_meo).