“Chơi ngải” và chuyện “ngải quật lại”(?!)
Mới đây nhất là chuyện thầy trò nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường và người mẫu Lê Thúy lên Facebook cá nhân “nhắn gửi” đến kẻ đã dùng ngải hại mình với lời lẽ hết sức nặng nề. “Dùng bùa ngải để hại tôi là trò bẩn thỉu của cưng và nó thể hiện sự tự ti, sự hèn nhát của cưng đối với sự thành công của tôi... Tồi tệ hơn, cưng còn dùng trò bẩn thỉu đó để hại những người xung quanh tôi... Nhưng tôi nói rồi, chỉ có ông trời muốn tôi chết thì tôi phải chịu, chứ một con… như cưng không làm tôi sợ hãi đâu. Tôi sẽ ráng sống đến ngày cưng bị bùa ngải quật lại nó sẽ như thế nào. Tôi không muốn nói nhiều, chỉ muốn tặng cưng một câu rằng, luật nhân quả luôn báo ứng đấy, nếu hôm nay tôi phải chết vì bất cứ lý do gì thì cưng cũng nên biết hôm sau cưng sẽ ra sao rồi đấy. Tốt nhất nên sám hối xin ông trời tha thứ cho những lỗi lầm của cưng đi”, Facebook của Đỗ Mạnh Cường viết.
Tina Tình cho rằng nhờ... hình xăm tên vị “thầy” đã giúp cô thoát khỏi họa… “ngải”(?!). |
Một nhà thiết kế cho biết, chuyện “chơi ngải” ở Sài Gòn đã trở nên phổ biến tới mức nhiều người phải đề phòng về nó. Khi “ghen ăn, tức ở” một ai đó hoặc thấy người khác nổi tiếng hơn mình là ngay lập tức họ nghĩ tới chuyện nhờ thầy tạo… “ngải”.
Chị Chanh là người đầu tiên trong Vbiz lên tiếng bị chơi ngải |
Dù vai diễn trong Scandal đã ghê gớm, diễn viên Vân Trang còn cho biết: "Showbiz Việt bên ngoài ghê gớm hơn trong phim" - Ảnh: T.L |
Lê Thúy cũng bức xúc về bị chơi ngải |
Việt Quang bị chơi ngải tới nỗi "lú" cả giới tính |
Chuyên gia cũng… nước đôi
Cũng có nhiều ý kiến hồ nghi rằng, vì sao chỉ trong giới showbiz mới ồn ã chuyện “chơi ngải”. Điều này không loại trừ xuất phát từ việc giới này vốn dĩ rất “tín”. Việc lớn nhỏ gì trong sự nghiệp, họ cũng đều hỏi “thầy” rồi mới đưa ra quyết sách. Chính vì vậy, câu chuyện về “ngải” cũng dễ dàng được thêu dệt đến mức được nhiều nghệ sĩ tin nó là có thật.
Theo các nhà nghiên cứu, việc nghe nhiều về “ngải” khiến những ý nghĩ về bùa ngải ngự trị trong não. Khi gặp điều không may xảy ra, sự nghi ngờ về khả năng mình bị bỏ bùa sẽ hiện lên. Khi đến gặp “thầy”, sự lý giải theo màu sắc mê tín khiến họ càng tin sự tồn tại của ngải là có thật.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cũng không phủ định hoàn toàn câu chuyện về ngải. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cho biết: “Tôi có nghe nói nhiều về câu chuyện dùng ngải để yểm ai đó khiến cho họ gặp tai họa trong cuộc sống nhưng tôi chưa có dịp để tìm hiểu, nghiên cứu. Cần phải tiếp xúc với các trường hợp bị ảnh hưởng từ “ngải”, theo dõi, thu thập các hiện tượng để nghiên cứu xem tính xác thực của nó tới đâu thì mới khẳng định được”.
Ở góc độ xã hội, nhà nghiên cứu Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Không ngoại trừ đây chỉ là hiện tượng tự kỷ ám thị. Có thể do áp lực công việc quá lớn dẫn đến stress, nhiều thị phi khiến họ nghĩ rằng, showbiz nhiều cái xấu hơn cái tốt. Việc viện dẫn ra một số hiện tượng giống nhau ở những người được cho là bị “ngải” khiến một bộ phận cũng dần tin đó là sự thật”. Và cũng như nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, nhà nghiên cứu Trịnh Hòa Bình tỏ ra thận trọng trước hiện tượng này: “Trong lòng xã hội hiện đại vẫn tồn tại những yếu tố tâm linh cần khoa học giải mã. Và khi khoa học vẫn còn chưa lý giải được thì không nên tin nhưng cũng không nên phủ nhận nó tuyệt đối”.
Theo Gia đình