PGS, TS Trần Hữu Bình - Nguyên viện trưởng Viện Sức Khỏe Tâm thần Trung ương cho biết viện phát hiện và điều trị rối loạn tình dục không thực tổn rất phức tạp và tế nhị.
Rối loạn chức năng tình dục là bệnh lý
PGS, TS Trần Hữu Bình cho biết hoạt động tình dục ở người bình thường được chia làm bốn giai đoạn: Kích thích (ham muốn), hưng phấn (gợi hứng), cực khoái và tháo trào. Hoạt động tình dục là một quá trình liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa cơ thể và tâm lý. Nghĩa là, liên quan đến phản xạ vòng lớn (vỏ não) và phản xạ vòng ngắn (tủy sống-cùng).
Hiện nay bệnh rối loạn chức năng tình dục được gọi là rối loạn chức năng tình dục khi người bệnh không đáp ứng được tình dục hoặc không thể tham gia vào quan hệ tình dục như mong muốn: Thất bại trong đáp ứng sinh lý tình dục, không cảm thấy thích thú khi giao hợp, khó khăn trong việc đạt cực khoái (loạn chức năng khoái dục) hoặc cực khoái xuất hiện quá sớm (phóng tinh sớm).
Rối loạn chức năng tình dục thường liên quan đến tâm lý hoặc cơ thể hoặc cả hai cùng kết hợp được coi là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến đáp ứng tình dục. Rối loạn chức năng tình dục là do ảnh hưởng của cơ thể và các yếu tố tâm thần.
PGS Bình cho biết, trong các biểu hiện của rối loạn chức năng tình dục do tâm thần có biểu hiện một bệnh lý, đó là xu hướng thích quan hệ tình dục quá mức. Thuật ngữ này còn được gọi là chứng cuồng dâm ở nam, cuồng dâm ở nữ.
Theo lý giải của PGS Bình trong các bài giảng dành cho sinh viên đa khoa, ông có viết: Xu hướng quan hệ tình dục quá mức là tình trạng tăng cảm giác tình dục quá nhạy, nghĩa là tri giác nhạy với những cảm giác tình dục (sự dâm ô bất thường hoặc quá tham lam đối với sự thỏa mãn tình dục). Có những người, sự ham muốn tình dục lên đến mức buộc bệnh nhân phải thỏa mãn ham muốn đó trong khả năng đầu tiên dẫu có mâu thuẫn thô bạo về yêu cầu của tập quán, có khi cả về pháp luật.
Những người tăng tình dục quá mức biểu lộ rõ nét về hành vi trong các mối quan hệ. Họ trở nên thân mật, tăng nhu cầu giao tiếp với người khác giới, thích trao đổi về đề tài tình dục, luôn hướng ra xã hội, thích làm dáng, quá đa tình, ve vãn, hoặc quá ham thích diêm dúa, mỹ phẩm, muốn thực sự mồi chài người khác giới bằng cách phô ra sự duyên dáng của mình. Quan hệ tình dục trở nên sôi nổi, mạnh mẽ và thường nhật. Những người có biểu hiện như thế chứng tỏ nhu cầu tình dục đã tăng cao và cực kỳ bức thiết.
Điều trị phức tạp và rất tế nhị
PGS Bình nhấn mạnh dạng rối loạn tình dục này thường xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên, tuổi thành niên. Những bệnh lý thường gặp như rối loạn cảm xúc: trầm cảm, hưng cảm, hỗn hợp. Trong đó có các cơn ham mê tình dục mạnh, còn gọi là "dâm dục vô độ". Những người bệnh như thế này thì cảm giác tình dục của họ không biết mệt mỏi, nếu sau khi không mang lại sự thỏa mãn trong giao hợp người bệnh sẽ chuyển sang mức đau đớn nhất định.
Cho đến nay, việc khám và điều trị rối loạn chức năng tình dục không thực tổn (không bị tổn thương do não) là một vấn đề phức tạp. Bởi lẽ, người bệnh không nói ra các khía cạnh tình dục của mình vì họ xấu hổ hoặc họ đang đau khổ không muốn nói ra mối quan hệ hôn nhân của họ đã không được duy trì quan hệ tình dục như trước.
Nhiều năm tiếp xúc với bệnh nhân rối loạn tâm thần, PGS Bình cho biết khi tiếp xúc với những bệnh nhân này cần có thái độ cởi mở, thân thiện để tạo niềm tin cho họ. Khi họ có niềm tin mình mới lại gần phỏng vấn để khai thác đầy đủ các biểu hiện lâm sàng của rối loạn chức năng tình dục không thực tổn.
Hiện nay, việc điều trị đối với bệnh nhân rối loạn chức năng tình dục không thực tổn cần nhiều liệu pháp như điều trị bằng thuốc đặc trị trầm cảm, điều trị bằng liệu pháp tâm lý, liệu pháp hành vi, liệu pháp xã hội. Trong đó, liệu pháp xã hội rất quan trọng. Cần tổ chức các hoạt động xã hội nhằm làm giảm những ức chế trong quan hệ tình dục do có sự gần gũi của người khác trong gia đình.
Theo ĐSPL